Phần mềm Bộ gõ Font Thái Thanh cổ
Cùng với tiếng nói (ngôn ngữ), chữ viết là một trong những thành tố quan trọng hàng đầu cấu thành di sản văn hoá phi vật thể của mỗi dân tộc. Bởi vì ngôn ngữ, chữ viết có vai trò rất to lớn trong việc phản ánh cũng như bảo lưu bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Mặt khác, chữ viết đồng thời cũng là một trong những hình thức lưu giữ và lưu truyền di sản văn hoá phi vật thể. Những hình thức lưu giữ là thông qua trí nhớ, ký ức là do các cá nhân của cộng đồng dân cư, cùng tất cả các hoạt động sống của họ, với tư cách là chủ thể sáng tạo ra di sản văn hoá phi vật thể, trong đó ngôn ngữ và chữ viết, với tư cách chủ thể khai thác, sử dụng và phát triển ngôn ngữ và chữ viết ngày càng hoàn chỉnh hơn. Ngôn ngữ và chữ viết là di sản văn hoá phi vật thể “chết”, sẽ bị mai một theo thời gian nếu chúng không gắn với đời sống văn hoá của cộng đồng không được sử dụng đúng với chức năng mà vì lý do đó chúng đã được sáng tạo ra với tư cách là công cụ cho tư duy và phương tiện giao lưu, trao đổi thông tin giữa các thành viên cộng đồng. Do đó, có thể khẳng định rằng môi trường và phương pháp hữu hiệu nhất để lưu giữ, truyền dạy ngôn ngữ và chữ viết phải tồn tại một cách sống động trong lòng cộng đồng, phục vụ cho cộng đồng, mà ở đó con người với ý thức coi trọng di sản văn hoá phi vật thể, sẽ chủ động sử dụng phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhất để bảo tồn và khai thác phát triển ngôn ngữ, chữ viết.
Chữ Thái Thanh của người dân tộc Thái ở tỉnh Thanh Hóa có lịch sử phát triển từ lâu đời và thường xuyên được cải tiến, nâng cao. Việc bảo tồn chữ Thái cổ Thanh Hóa là công trình sáng tạo của nhiều tri thức người Thái. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, chúng ta cần đưa bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa vào máy tính để giúp cho việc lưu giữ và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Thái, đồng thời thúc đẩy việc học và phát triển chữ Thái cổ Thanh Hóa. Việc xây dựng bộ font cho chữ Thái cổ Thanh Hóa theo các chuẩn mực quốc tế là bước đi cần thiết cho các ứng dụng CNTT vào chữ Thái.
Thiết kế và tạo dáng chữ Thái cổ Thanh Hóa được dựa trên chữ viết tay của các chuyên gia Chữ Thái như bác Hà Văn Thương, Thầy giáo Hà Nam Ninh, Hà Công Mậu, những người nặng lòng với bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa.
Font chữ Thái cổ Thanh Hóa được tiến hành tạo font chữ dựa trên việc tạm thời đặt mã chữ Thái vào vùng người dùng sử dụng riêng của Unicode (PUA).
Sau khi nghiên cứu qua một số tài liệu về chữ Thái. Đặc biệt là các bài viết bằng tay của bác Hà Văn Thương cung cấp chúng tôi thấy chữ Thái cổ Thanh Hóa có một số đặc điểm sau:
- Chữ thái Thanh Cổ có 48 phụ âm, 20 nguyên âm, 2 dấu thanh, 4 kí tự đặc biệt và 9 kí hiệu dấu phụ cổ, do đó có tất cả 84 kí tự
- Chữ Thái cổ Thanh Hóa không cùng một độ rộng
- Đa số kí tự của chữ Thái đều có một phần chiều dài như nhau (vùng cơ bản). Ngoài vùng cơ bản có một số kí tự có nét vươn lên cao, có một số kí tực có nét kéo xuống dưới. Những nét vượt ra ngoài vùng cơ bản chủ yếu là nét nằm ở bên phải kí tự
- Những kí tự có nét nhô cao so với vùng cơ bản: Loại kí tự có nét nhô cao vừa: nét này kéo thẳng lên cao hơn vùng cơ bản một chút là kéo vòng sang bên trái kí tự; Loại kí tự có nét nhô cao hẳn lên (cao hơn nét nhô vừa): nét này được kéo lên cao và vượt qua đường biên phía trên phải của vùng cơ bản che lấy phần trên của một hoặc hai kí tự năm bên cạnh.
- Những kí tự có nét kéo xuống so với vùng cơ bản: Loại kí tự có nét kéo xuống ngắn. Loại kí tự này nét kéo xuống vượt ra ngoài vùng cơ bản phía dưới sau đó vòng sang phía bên trái kí tự; Loại kí tự có nét kéo xuống dài: Loại kí tự này nét kéo xuống vượt ra ngoài vùng cơ bản phía dưới có 2 loại: nét vòng sang phía bên trái kí tự và nét vòng sang phía bên phải kí tự vượt qua đường biên phía bên phải của vùng cơ bản
Đây là những đặc điểm trực quan nhất của chữ Thái cổ Thanh Hóa. Dựa vào những đặc điểm này chúng tôi đi tới những thống nhất về các tiêu chuẩn, kỹ thuật áp dụng cho bộ chữ từ đó hình thành nên các sản phẩm gồm:
- Bộ Font Thái Thanh cổ
- Bộ gõ Font Thái Thanh cổ
- Bàn phím ảo
Sản phẩm đã được chứng nhận bởi Sở KH&CN Thanh Hóa và được ứng dụng xây dựng ngân hàng dữ liệu, đào tạo cho cán bộ, nhân dân biết tiếng Thái, tiếng Thái cổ Thanh Hóa sử dụng trong quá trình soạn thảo, lưu trữ tài liệu tiếng Thái.
Mọi thông tin tư vấn vui lòng liên hệ:
Phòng Quản trị hệ thống
Điện thoại: 02373.718.297