Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 với chủ đề "Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn". Đây là năm thứ 15 Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam được tổ chức tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Lễ khai mạc có ông Nguyễn Huy Dũng, thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA; Ông Lâm Văn Đoan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội... Về phía Ban Cơ yếu Chính phủ có Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Ban và các Hệ Cơ yếu.
Trong kỷ nguyên 4.0, chuyển đối số là điều tất yếu mà mọi quốc gia trên thế giới đều đang hướng tới. Tại Việt Nam, năm 2022 được coi là năm chuyển đổi số quốc gia với việc triển khai mạnh mẽ các công nghệ như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật….Trong quá trình phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của đất nước, việc thiết lập ra môi trường mạng an toàn để Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng có vai trò hết sức quan trọng. Đây là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Với chủ đề "Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn", Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 trở thành một diễn đàn quan trọng cấp quốc gia, là sự kiện hàng đầu, nổi bật nhất về an toàn, an ninh mạng trong năm 2022 tại Việt Nam, thu hút sự quan tâm đối với cộng đồng an toàn, an ninh thông tin trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết: VNISA đã thực hiện khảo sát 135 tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam về việc đảm bảo an toàn thông tin. Kết quả khảo sát đã nêu ra một số vấn đề lớn cần được quan tâm và khắc phục thời gian tới, đó là cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp thì có 1 đơn vị từng bị gián đoạn hệ thống - dịch vụ, bị tấn công mạng trong năm 2022; 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại.
Khảo sát cũng cho thấy, có 87% tổ chức, doanh nghiệp lo sợ yếu tố “Con người”, 58% đơn vị lo ngại về “Công nghệ” và 47% lo ngại về lỗ hổng trong “Quy trình”. Cùng với đó, 68% tổ chức, doanh nghiệp cho biết chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin hàng năm. Vì vậy, VNISA đã lựa chọn chủ đề "Chung tay bảo vệ người dân và Doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn" cho Hội thảo nhằm góp phần tìm ra những lời giải hiệu quả cho vấn đề này.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một chương trình lớn, dài hạn của quốc gia. Chuyển đổi số là đưa các hoạt động của mọi người lên môi trường số. Đồng nghĩa với việc chúng ta phải bảo vệ hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước cùng hoạt động trên không gian mạng của gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình và 100 triệu người dân.
Nhận định khối lượng công việc trên là rất lớn mà không một lực lượng đơn lẻ nào có thể làm hết được, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng chỉ rõ, việc bảo đảm an toàn không gian mạng và an toàn cho các tổ chức, người dân trên không gian mạng là trách nhiệm, sự chủ động vào cuộc của tất cả cơ quan, tổ chức và cả người dân với nguyên tắc “thực sao ảo vậy”. Tức là, cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì cũng có trách nhiệm quản lý nội dung đó trên không gian mạng. Bên cạnh 3 lực lượng nòng cốt là Quốc phòng, Công an, thông tin và truyền thông, chúng ta còn có sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và cả người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định 2022 là năm bảo vệ người dân trên không gian mạng. Vì vậy, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Trong 10 tháng năm 2022 đã chặn 2.063 website vi phạm, trong đó có 1.255 website lừa đảo. Bảo vệ 3,8 triệu người dân (gần 6% người dùng internet) trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ưu tiên thúc đẩy phát triển các ý tưởng, giải pháp an toàn thông tin mạng sáng tạo xuất sắc, phục vụ lợi ích quốc gia và bảo vệ người dân trên không gian mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi Hiệp hội, các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng hãy chung tay cùng Bộ trong quá trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.
Chương trình hội thảo bao gồm phiên toàn thể buổi sáng với các báo cáo: Tổng quan về chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; An toàn thông tin trong chuyển đổi số - thách thức và giải pháp; Giải pháp bảo mật dựa trên IoT phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến; Nhận diện rủi ro và tài sản số của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức của người dùng về ATTT; Kinh nghiệm triển khai giải pháp an toàn thông tin phục vụ người dùng; Đảm bảo an ninh tự động, tập trung cho ứng dụng trong kỷ nguyên số; Trải nghiệm số an toàn...
Cũng tại hội thảo đã diễn ra buổi tọa đàm về "Vai trò của doanh nghiệp trong triển khai chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia" do TS. Vũ Quốc Thành - Phó Chủ tịch Tổng thư ký VNISA chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo Cục ATTT; ông Đào Gia Hạnh (Phó giám đốc công nghệ FPT IS); ông Hà Thế Phương (Tổng giám đốc CMC Cyber Security); ông Shash Hegde (Chuyên gia ATTT cao cấp, khối dịch vụ khách hàng công, Google Asia Pacific).
Chương trình còn có hai phiên chuyên đề buổi chiều và một hội thảo chuyên đề bảo vệ trẻ em online. Bên cạnh đó là khu vực triển lãm với hơn 30 gian hàng giới thiệu sản phẩm, công nghệ an toàn thông tin mạng của các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và thế giới.
Tại sự kiện, đại diện VNISA đã nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập hiệp hội.
Lễ ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra lễ ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.
Theo Cục An toàn thông tin, những doanh nghiệp tham gia Liên minh cần đáp ứng được một số tiêu chí: Là doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin; có lượng người dùng dịch vụ lớn tại Việt Nam; có nền tảng hạ tầng, sản phẩm đáp ứng các tiêu chí an toàn cho người dùng. Thời gian tới, Liên minh sẽ mở rộng để các doanh nghiệp có đủ năng lực cùng tham gia.
Liên minh hoạt động dưới bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) có vai trò chủ trì điều phối, định hướng các hoạt động chung của Liên minh. Cũng theo Cục An toàn thông tin, sứ mệnh của Liên minh là thúc đẩy sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cho người dân khi tham gia sử dụng mạng. Từ đó, Liên minh giúp tạo dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, giảm thiểu sự cố mất an toàn thông tin và tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số.
Tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022 Ban tổ chức đã vinh danh các đội sinh viên đạt giải cao tại cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2022. Các đội đạt giải nhất, giải nhì và giải ba cuộc thi đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo.
BBT