Cần tăng mức xử phạt việc thu thập, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân
Việt Nam cần điều chỉnh hình thức xử lý các doanh nghiệp vi phạm vấn đề dữ liệu cá nhân, theo nguyên tắc xử phạt dựa trên doanh thu chứ không phải giá trị tuyệt đối.
Trong phiên chất vấn về Nhóm vấn đề thứ 2 - lĩnh vực TT&TT tại Quốc hội ngày 4/11, đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La) nêu vấn đề về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại vẫn diễn ra khá phổ biến với mục đích quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, gây phiền hà cho người dân.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dữ liệu cá nhân được coi là tài sản cá nhân. Điều này được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin. Mỗi người dân phải biết bảo vệ tài sản của mình, có thể bắt đầu từ chính những việc như cẩn trọng hơn khi cung cấp số điện thoại di động cho các cửa hàng, siêu thị. Rất cần nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề đó.
Đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng đặt vấn đề về trách nhiệm và nghĩa vụ của các doanh nghiệp khi thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, bao gồm việc sử dụng dữ liệu với mục đích gì và có đưa cho bên thứ ba sử dụng hay không?
Trong năm 2022, Bộ TT&TT có chương trình thanh tra nhà mạng viễn thông về việc thu thập, xử lý, đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân của người dùng. Đến năm 2023, Bộ TT&TT sẽ làm điều này với cả các doanh nghiệp bưu chính và mạng xã hội lớn. Song song với đó, Bộ Công an đang ở những bước cuối cùng để ra một nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
“Các nước ASEAN cơ bản đã có luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việt Nam sẽ ra một nghị định trước và tiến tới sẽ có bộ luật về vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đối với việc xử lý mang tính răn đe, vừa qua Việt Nam đã tăng mức xử phạt về thu thập, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân lên gấp 2 lần, nhưng cao nhất cũng chỉ dừng ở 60 triệu đồng.
Nhiều nước trên thế giới không đặt ra một con số tuyệt đối trong vấn đề xử phạt các vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân. Thay vào đó, họ xử phạt dựa trên doanh thu, từ 6-10% doanh thu của doanh nghiệp, tổ chức vi phạm.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng, các đại biểu Quốc hội cần xem xét để Việt Nam có những điều chỉnh về hình thức xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm về vấn đề dữ liệu cá nhân, theo nguyên tắc xử phạt dựa trên doanh thu chứ không phải giá trị tuyệt đối.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Trong năm 2022, Bộ TT&TT đã triển khai 11 đoàn liên ngành đi kiểm tra về dữ liệu cá nhân và đã chuyển 2 vụ việc sang Bộ Công an để xử lý hình sự.
Bộ TT&TT đang dự kiến sẽ đề xuất Thủ tướng lấy năm 2023 là năm dữ liệu số Việt Nam. Hành động này nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới làm tốt hơn nữa việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang.
Có chung trăn trở về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đặt vấn đề làm sao để quản lý việc thu thập dữ liệu người dùng của các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là mạng xã hội.
Trước băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, giải pháp đột phá là sự xuất hiện của các nền tảng số Việt Nam, trong đó có mạng xã hội. Đây cũng là giải pháp để giữ dữ liệu của người Việt tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân, Việt Nam cần có một nghị định và tiến tới có một bộ luật tạo hành lang pháp lý vững chắc cho vấn đề này.
BBT