Năm 2020 – năm phát triển đột phá về Chính phủ điện tử
Năm 2020 là một năm có những bước phát triển đột phá về Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Kết quả phát triển Chính phủ điện tử chỉ riêng trong năm 2020 bằng nhiều năm trước gộp lại thể hiện qua tốc độ tăng trưởng ấn tượng của số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3,4) được cung cấp. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định như vậy trong buổi làm việc với Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chiều ngày 17/12/2020.
Năm 2020 – năm khởi động chuyển đổi số quốc gia
Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương tháng 12/2019 chỉ với 8 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhưng chỉ sau một năm (tháng 12/2020) đã đạt 2.361 DVC. Nếu như số lượng DVCTT mức 4 năm 2018 đạt ở mức khiêm tốn 4,5%, đến năm 2019 đạt 10,7% và tăng gần gấp ba vào năm 2020, đạt 30%.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/cấp tỉnh (LGSP) đã tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, chỉ đạt 3% năm 2018, tăng gấp 9 lần năm 2019 (đạt 27%) và cán mốc 100% trong năm 2020. Có được kết quả như vậy khẳng định cách nghĩ, cách làm mới của Bộ TT&TT, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT. Bộ TT&TT đã triển khai “LGSP as a service” để một số bộ ngành, địa phương sử dụng khi chưa có điều kiện xây dựng LGSP của mình, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định.
Về công tác xây dựng thể chế, Thứ trưởng khẳng định, hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử đã cơ bản hoàn thiện với ba Nghị định quan trọng: Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 về công tác văn thư; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước
Liên quan đến chuyển đổi số, ở quy mô quốc gia, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã mở rộng phạm vị chỉ đạo, không chỉ trong lĩnh vực Chính phủ điện tử mà còn bao gồm chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, thể hiện quyết tâm chiến lược của Việt Nam sử dụng công nghệ số làm thay đổi kinh tế, xã hội đất nước.
Sáu nhiệm vụ cần làm trong năm 2021
Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, mặc dù hành lang pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử tương đối hoàn thiện, trong năm 2021 cần tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật gồm: Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp thẻ căn cước công dân điện tử; Khởi động đề xuất xây dựng một số luật như: Luật Chính phủ số, Luật kinh tế số,
Đồng thời, cần xác định rõ nội hàm kinh tế số và phương pháp xác định tỷ trọng kinh tế số trong GDP để các Bộ, ngành, địa phương có chỉ tiêu cụ thể đánh giá về tiến trình chuyển đổi số tại ngành mình, địa phương mình, Thứ trưởng nhấn mạnh./.
BBT