Ngành thông tin và truyền thông Thanh Hóa: Nối tiếp truyền thống, hướng tới tương lai, góp phần vì một Thanh Hóa với khát vọng thịnh vượng

Ra đời năm 1945, trải qua 75 năm phát triển và trưởng thành, ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) Thanh Hóa đã và đang hoàn thành sứ mệnh của đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng, giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.


Đồng chí Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT&TT phát biểu tại Hội nghị tham vấn định hướng và giải pháp xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với cả nước, sự hình thành và lớn mạnh của ngành TT&TT Thanh Hóa luôn gắn liền với sự ra đời và phát triển của đất nước theo nhu cầu từng thời kỳ của cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của dân tộc, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành TT&TT đã đem tất cả sức lực, trí tuệ và cả xương máu của mình, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn hiểm nguy trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, xây dựng và giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp bước truyền thống hào hùng, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chiến lược của ngành TT&TT là “Hội nhập và phát triển” nhằm phát huy nội lực, tạo môi trường cạnh tranh sâu rộng trong nước để tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT), hạ giá thành, tự tin và chủ động hội nhập quốc tế. Thành tựu quan trọng của quá trình đổi mới chính là cơ cấu tổ chức, tách riêng lĩnh vực quản lý Nhà nước và sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo dựng môi trường pháp lý để phát triển nhanh và vững chắc trên tất cả các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông và CNTT, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại... góp phần tạo niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội.

Cùng với thành quả chung của ngành TT&TT Việt Nam, ngành TT&TT Thanh Hóa đang có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của địa phương, trở thành ngành đi đầu trong hội nhập kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn những tháng đầu năm 2020, ngành TT&TT Thanh Hóa đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép đề ra trên tất cả các lĩnh vực.

 
Ngành Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Theo đó, lĩnh vực viễn thông có bước phát triển mạnh mẽ, năm 2020, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng ước đạt 2.890.000 thuê bao, bằng 100,67% so với kế hoạch được giao; mật độ thuê bao điện thoại đạt 79,92 máy/100 dân; thuê bao internet trên toàn mạng ước đạt 1.800.000 thuê bao, đạt mật độ 49,8 thuê bao/100 dân, bằng 105,88% kế hoạch được giao. Trong năm 2020, tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 3.650 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch được giao. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 200 tỷ đồng.

Lĩnh vực CNTT đã có chuyển biến và phát triển mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại; các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò trụ cột của chính quyền điện tử đã được xây dựng, tiêu biểu là Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; trục liên thông văn bản LGSP của tỉnh kết nối với trục quốc gia tích hợp 187 thủ tục hành chính lên trên Cổng dịch vụ công quốc gia, là tỉnh đứng thứ 2 trên toàn quốc, là tỉnh đầu tiên từ ngày 1-9-2020 sẽ thực hiện 100% văn bản, hồ sơ công việc được điều hành, xử lý, lưu trữ trên môi trường mạng (trừ văn bản mật) triển khai đồng bộ cả 3 cấp, từ tỉnh đến UBND cấp xã... Sử dụng có hiệu quả hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh tại 215 điểm cầu kết nối từ các cơ quan cấp tỉnh đến UBND cấp huyện, cấp xã.

Đặc biệt là chủ động tham mưu triển khai Chỉ thị số 12/CT-UBND về tăng cường chỉ đạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Chỉ thị số 15/CT-UBND về tập trung chỉ đạo đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo và cán bộ, công chức các ngành, các cấp; thay đổi cơ bản hình thức làm việc theo hành chính giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc sử dụng văn bản điện tử, thay thế văn bản giấy trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

 
Hội sách kết nối tri thức, lan tỏa văn hóa đọc do Sở TT&TT Thanh Hóa tổ chức.

Đến nay, tỷ lệ văn bản gửi qua mạng của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đạt 94,77% (toàn quốc 86,5%); cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đạt tỷ lệ 93,2%, mức độ 4 đạt 32,13% và ngày càng tăng; lãnh đạo, cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử và ký số cá nhân trên văn bản đi đạt tỷ lệ 95,59%. Triển khai rộng rãi ứng dụng đào tạo, học tập trực truyến (E-Learning); tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến; hội nghị không giấy tờ; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; thanh toán điện tử, không sử dụng tiền mặt (VNPT Pay); khai báo y tế điện tử qua mạng internet... Việc điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc hiện đại, công khai, minh bạch, tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả tại các đơn vị; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã không ngừng phát triển cả về nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng. Hoạt động báo chí, xuất bản, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại luôn thể hiện được vai trò chủ đạo tạo dòng chảy chính trong xã hội; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân; tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh con người và văn hóa xứ Thanh năng động, thân thiện, là điểm đến tin cậy của bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó tạo niềm tin, sức hút của các nhà đầu tư đến với Thanh Hóa.

Lĩnh vực thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân cũng như đến với bạn bè quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, ổn định kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Phát huy truyền thống 75 năm, ngành TT&TT Thanh Hóa đang kế thừa quá khứ, tiếp nối lịch sử, không ngừng phát triển và trưởng thành, thực hiện thành công phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá” trong thời kỳ hội nhập, góp phần cùng cả tỉnh hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng. Toàn ngành đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó trọng tâm là thực hiện chính quyền số, xã hội số, kinh tế số nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền với các giải pháp cơ bản: Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền theo xu thế mới của thời kỳ kinh tế số, xã hội số; phát triển CNTT, coi đây là ngành kinh tế kỹ thuật trọng điểm, đóng góp tỷ trọng lớn, bền vững trong tăng trưởng GRDP; phát triển nguồn nhân lực CNTT và truyền thông; ứng dụng có hiệu quả CNTT trong cơ quan Nhà nước, trong doanh nghiệp và toàn xã hội.

Cụ thể, đối với lĩnh vực bưu chính, viễn thông và CNTT, sẽ tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong đó, chú trọng các dịch vụ liên quan đến chính phủ điện tử và các dịch vụ mang tính hỗ trợ/logistics cho thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đặc biệt trong năm diễn ra đại hội đảng các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các sự kiện quan trọng của đất nước. Tiếp tục định hướng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông, toàn ngành hướng tới mục tiêu báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội với công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Báo chí đóng góp vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phương châm với mục tiêu “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, vì mục tiêu khát vọng thịnh vượng của tỉnh.

Đỗ Hữu Quyết - Giám Đốc Sở Thông Tin Và Truyền Thông