Quản lý và phát triển ứng dụng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự trong bảo mật thông tin giao dịch điện tử

Đó là chủ đề của Hội thảo được Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức ngày 8/8/2018, tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đã tới dự và phát biểu khai mạc

Tham dự Hội thảo còn có đồng chí Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Ban và các hệ Cơ yếu; ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các cơ quan Bộ, ngành trung ương; đại diện lãnh đạo Sở thông tin và Truyền thông của hơn 20 tỉnh, thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự. Sự kiện đã thu hút gần 300 đại biểu tới tham dự.

Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông đã mang lại những thành quả quan trọng đối với lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng,... đồng thời xuất hiện các nguy cơ gây mất an toàn thông tin, đặc biệt là việc lộ, lọt, giả mạo thông tin trên không gian mạng.

Nhà nước thực hiện quản lý mật mã dân sự nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự, tập trung vào các nội dung: Quản lý chất lượng sản phẩm mật mã dân sự; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mật mã dân sự của Việt Nam; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm mật mã dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến nay, một số văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin đã được ban hành, như: Luật Cơ yếu, Luật an toàn thông tin mạng, Luật an ninh mạng. Về lĩnh vực mật mã dân sự, triển khai thực hiện Luật An toàn thông tin mạng, gần đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự. Đây là văn bản pháp lý quan trọng trong việc quản lý mật mã dân sự trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá kết quả triển khai các quy định của pháp luật về cấp phép kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, đặc biệt là nội dung về chính sách quản lý mật mã dân sự được quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP và Nghị định số 53/2018/NĐ-CP; thực trạng triển khai ứng dụng mật mã dân sự trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, những thuận lợi, khó khăn; những định hướng nhằm tạo lập môi trường thuận lợi, lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sử dụng mật mã dân sự trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; đặc biệt trong quản lý chất lượng, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mật mã dân sự, đánh giá sự phù hợp, công nhận và thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm định, cấp chứng nhận sản phẩm mật mã dân sự. Đây là những nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là dịp trao đổi về các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm bảo mật, chứng thực chữ ký số công cộng và giám sát an toàn thông tin tiên tiến trên thế giới; trên cơ sở đó thống nhất định hướng phát triển nền công nghiệp an toàn thông tin của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ Đặng Vũ Sơn cho biết, trong thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan triển khai các nội dung của Luật và Nghị định thi hành, kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thực hiện quản lý mật mã dân sự.

Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn tại Hội thảo này sẽ nhận được các ý kiến của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và sử dụng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự. Từ đó, triển khai hiệu quả các nội dung của Luật An toàn thông tin mạng, làm cơ sở tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, triển khai sử dụng sản phẩm mật mã dân sự tại Việt Nam.

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, đồng chí Trưởng ban Đặng Vũ Sơn cũng gửi lời cám ơn các bộ, ngành, đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai nội dung quản lý nhà nước theo luật định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi.

Nội dung của Hội thảo tập trung làm rõ chính sách quản lý mật mã dân sự quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP và Nghị định số 53/2018/NĐ-CP; tình hình triển khai, ứng dụng chữ ký số tại các lĩnh vực tài chính, ngân hàng; hoạt động ứng dụng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự trong bảo mật thông tin giao dịch điện tử; các sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự của các hãng công nghệ nổi tiếng.

Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận của các cơ quan, đơn vị như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ; và các tổ chức, doanh nghiệp như: VNISA phía Nam, IBM, Sonicwall, Infotecs, MKS, VIMASS….

Đáng lưu ý là một số tham luận “Tăng cường công tác quản lý mật mã dân sự để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giao dịch điện tử” do ông Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục Quản lý Mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm Mật mã dân sự trình bảy. Các nội dung về vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử; Chính sách quản lý nhà nước, các quy định của Pháp luật và thực hiện quản lý mật mã dân sự đều được nêu rõ trong tham luận.

Tham luận “Một số vấn đề đảm bảo an toàn bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử tại Việt Nam, thực trạng và giải pháp” của ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bkav Security. Bài tham luận đã trình bày về hiện trạng và các nguy cơ mất an toàn thông tin trong giao dịch điện tử. Mặc dù, các ngân hàng và công ty chứng khoán đã tiên phong áp dụng các giải pháp bảo mật như sử dụng mật khẩu, OTP,… Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn còn tồn tại những rủi ro bảo mật như: sử dụng mật khẩu không an toàn, mật khẩu OTP không có tính chống chối bỏ dễ có nguy cơ bị tấn công lừa đảo. Qua đó, tham luận cũng đề xuất sử dụng giải pháp xác thực đa lớp (mật khẩu mạnh, OTP, chữ ký số) kết hợp với các ràng buộc pháp lý.


Bên lề Hội thảo là gian hàng triển lãm của các hãng công nghệ, doanh nghiệp trưng bày nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ tiên tiến, đa dạng của việc ứng dụng mật mã trong bảo mật, an toàn giao dịch điện tử, đặc biệt trong quá trình thanh toán điện tử và thương mại điện tử. Tiêu biểu là các giải pháp, sản phẩm của các hãng IBM, Sonicwall, Infotecs, Fujitsu và các doanh nghiệp có uy tín trong nước như MK group, Securitybox, Nam Trường Sơn, HTS….

BBT